Minh bạch hóa lộ trình giảm thuế và ưu đãi thuế

Minh bạch hóa lộ trình giảm thuế và ưu đãi thuế

– Để thực hiện Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế TNDN lần này, Chính phủ trình giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% từ năm 2014. Đối với DN có quy mô nhỏ và vừa (thoả mãn 2 tiêu chí sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) sẽ được áp dụng thuế suất 20%. 

 

Đề xuất này vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột, tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn trông chờ mức thuế suất sẽ được giảm ngay xuống 20%, trường hợp chưa được thì cũng phải công bố rõ lộ trình giảm thuế, tạo sự chủ động cho DN trong việc phát triển hoạt động SXKD.

 

Cơ sở để cộng đồng DN và không ít chuyên gia đề xuất đưa thuế suất chung xuống 20% ngay từ năm 2014, thậm chí có nhiều DN đề nghị áp dụng ngay từ 1/7/2012, nhằm  tăng mức độ hấp dẫn đối với cả các DN quy mô lớn, có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận, đồng thời giúp DN giảm nhẹ chi phí quản lý, qua đó tăng tính cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, phương án hợp lý có thể cân đối được giữa nhu cầu ngắn hạn với mục tiêu trung và dài hạn của NSNN mà vẫn tạo thêm động lực khuyến khích đầu tư là, đề xuất với Quốc hội quy định rõ lộ trình áp dụng thuế suất phổ thông 20% từ năm 2016 (hoặc từ 2017), đồng thời giữ nguyên các mức thuế suất ưu đãi là 20% và 10% tuỳ theo lĩnh vực, địa bàn như hiện hành. Việc công bố trước lộ trình áp dụng thuế suất 20% sẽ cho phép DN chủ động trong việc lựa chọn, ra quyết định đầu tư ngay từ bây giờ và kéo theo tác động thị trường sớm được phục hồi. Bên cạnh đó, do mức thuế suất này có tính cạnh tranh cao so với các nước trong khu vực, nhất là việc thu hút các luồng vốn đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc nên sẽ tác động mạnh trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI.

 

Mặt khác, việc quy định trước lộ trình áp dụng thuế suất 20% sẽ không gây tác động giảm thu NSNN đột ngột của năm 2014 và 2015. Cũng nhấn mạnh rằng, việc quy định lộ trình thuế suất ngay trong Luật cũng đã có tiền lệ từ Luật Thuế TTĐB và thực tế có hiệu quả. Cụ thể là quy định lộ trình về thuế TTĐB đối với ôtô chở người trong lần sửa đổi 2003, tăng thuế mặt hàng bia trong lần sửa đổi 2009.

 

Về các quy định ưu đãi thuế, lần sửa đổi này không thay đổi mức thuế suất ưu đãi thuế, thời gian áp dụng thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế 50%. Tuy nhiên, thiết nghĩ cần rà soát khôi phục một phần quy định về ưu đãi thuế đối với một số trường hợp đầu tư mở rộng, DN thành lập mới trong khu công nghiệp; đồng thời cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn để thực hiện được những trường hợp ưu đãi thuế đang quy định trong các luật chuyên ngành.

 

Một là cần ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô, bởi đó là loại hình DN xã hội mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà Luật Thuế TNDN hiện hành chưa đề cập.

 

Hai là, cho phép các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua được hưởng ưu đãi thuế, bởi đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn và lâu dài của Đảng và Nhà nước, nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng cần được quan tâm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi người lao động không đủ việc làm, thu nhập bị giảm sút, tiền thuê nhà cao so với thu nhập.

 

Ba là, cần ưu đãi thuế đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí và hoạt động xuất bản. Theo quy định của Luật Báo chí, báo chí là sản phẩm văn hoá để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Thực tế hiện nay hoạt động xuất bản, đặc biệt là các nhà xuất bản đang gặp rất nhiều khó khăn, do vừa phải thực hiện tốt nhiệm vụ công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng, vừa phải thực hiện hoạt động SXKD để tồn tại và phát triển, dẫn đến hầu hết các cơ quan báo chí bị lỗ và phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp cơ quan báo chí, xuất bản có nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, Quốc hội cần bổ sung quy định “áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với riêng hoạt động báo in và xuất bản”, còn những hoạt động khác như chuyển nhượng bất động sản, tổ chức sự kiện, kinh doanh khách sạn, du lịch,… thì phải nộp theo mức thuế suất chung.

 

Bốn là, quy định ưu đãi thuế cũng cần được áp đối với Khu công nghiệp (KCN) nhưng chỉ ưu đãi cho KCN đặt tại các tỉnh, không ưu đãi cho các KCN thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, mức ưu đãi thuế cần được quy định thấp hơn trước đây, chỉ nên quy định miễn thuế TNDN trong 2 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 4 năm tiếp theo (không ưu đãi về thuế suất). Cuối cùng, cần thiết phải bổ sung quy định về thẩm quyền của Chính phủ trong việc quyết định ưu đãi đầu tư đối với các dự án có quy mô lớn và có tác động lớn tới kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, các tiêu chí lựa chọn cần quy định rõ trong Luật. Cụ thể tiêu chí về quy mô vốn đầu tư tối thiểu của dự án từ vài trăm triệu hay một tỷ USD, thực hiện giải ngân nhanh dưới 3 năm, có tổng doanh thu đạt 5 tỷ USD trở lên khi đi vào SXKD ổn định và dự án sử dụng trên 5.000 lao động trong một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư như điện, điện tử; hoặc dự án sử dụng công nghệ tiên tiến trong một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư và có cam kết tỷ lệ nội địa hoá từ 50% trở lên; dự án có sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Khai giảng lớp học kế toán thuế cấp tốc trên chứng từ thực tế

Liên hệ phòng đào tạo Ms Nhung

Trung tâm kế toán hà nội

Hotline: 0988 043 053